Augustine: Thanh thiếu niên bướng bỉnh, người tình, người cha,
giáo sư, rối đạo.
Augustine: Hối nhân, linh mục, giám mục, giáo phụ, thần học gia,
triết gia, tiến sỹ Hội Thánh. Là một
trong 4 giáo phụ nổi tiếng của giáo hội Latin. Được phong danh
hiệu Tiến Sỹ Ân Sủng. Và là số ít những nhà tư tưởng lớn. Để lại
bao gồm 100 tác phẩm, với
5.000.000 chữ! [1]
Lịch sử tổng quát của Augustine nói lên một con người thông
minh, tài ba, kiến thức sâu rộng, nội tâm phức tạp. Một con
người với quá khứ đầy sôi nổi, phóng túng, vô đạo. Nhưng cũng
qua con người tự nhiên ấy đã làm nổi bật giá trị của ơn thánh,
của sự cải hóa và quyết tâm thánh hóa bản thân của Augustine:
“Ông kia, bà nọ làm thánh được, tại sao tôi không?” Cuộc đời của
Augustine mô tả đúng câu nói: “Mỗi tội nhân đều có một quá khứ.
Mỗi vị thánh đều có một tương lai.” Và khi nói về Augustine,
người ta không thể bỏ qua một người, mà nhờ người này mà
Augustine đã được ơn chuyển hóa từ một tội nhân thành một thánh
nhân. Đó là người mẹ hiền, thánh nữ Monica.
TUỔI TRẺ HÁO THẮNG
Monica có ba người con, hai trai là Augustine và Navigius, và
một gái là Perpetua. Augustine sinh ngày 13 tháng 11 năm 354,
trong một gia đình trung lưu ở Tagaste xứ Numidien, bắc Phi Châu
(Algerie). Tuổi trẻ thông minh, năng động, học giỏi, nhưng vô kỷ
luật theo phong cách sống của người cha ngoại đạo.
Trong lúc còn nhỏ, Augustine bị bệnh nặng, bà Monica đã nài nỉ
chồng cho phép Augustine được rửa tội. Patricius đồng ý, nhưng
khi Augustine khỏe lại, ông đã rút lại lời hứa. Tuổi trẻ là tuổi
phát triển, học tập, tuổi của tương lai. Trong khi Navigius và
Perpetua bước vào đời sống đạo hạnh, thì Augustine lại bắt đầu
cuộc sống lêu lổng, lười biếng. Năm 17 tuổi, Augustine đã được
gửi vào trường ở Madauros. Thời gian theo học khoa tu từ học
(rhetoric) tại Carthage thì cha qua đời.
Carthage (Latin: Carthago), một thành phố lớn trong năm thành
phố lớn nhất của đế quốc Rôma, nơi quy tụ nhiều thành phần trí
thức, quý tộc, và các giáo phái. Là một thành phố trù phú về văn
hóa, văn chương, triết lý, tôn giáo, và nghệ thuật, nên nơi đây
cũng không thiếu những tụ điểm ăn chơi, đĩ điếm, những con hẻm
nhỏ, những xóm nghèo lam lũ. Môi trường phức tạp này thích hợp
với lối sống buông thả, đam mê dục vọng của Augustine và đám bạn
bè. Augustine đã cặp bồ với Melanie và năm 18 tuổi đã có một con
trai tên là Adeotatus. Mối tình này kéo dài 10 năm. Bà Monica
rất đau khổ vì chồng, nay lại khổ vì con. Bà muốn Augustine lập
gia đình tử tế đàng hoàng theo tôn giáo, vì thế luôn hối thúc
Augustine về việc này. Nhưng ngược lại, Augustine nghĩ rằng cuộc
hôn nhân mình đang sống không có tội lỗi gì cả. [2]
Cũng trong thời gian tại Carthage, Augustine đã theo giáo phái
Manichaeism (Giáo phái Nhị Nguyên). Giáo phái do Mani sáng lập,
chủ trương rằng sự xung đột trong thế giới nguyên thủy là do
xung đột giữa ánh sáng và bóng tối. Sau khi chết, con người được
đưa khỏi thế giới vật chất để trở lại thế giới của ánh sáng, nơi
mà từ đó sự sống của nó được tạo thành. Ngoài ra, giáo phái này
phủ nhận vai trò của Đức Kitô, không chấp nhận Ngài là Chúa,
không tin Ngài nhập thể trong lòng Trinh Nữ Maria. Giêsu không
có thân xác như mọi người, không chết trên thập giá, không sống
lại từ cõi chết, không lên trời với xác phàm. Trước sự lầm lạc
trong đức tin của con, bà Monica rất đau khổ, và đã có lần đuổi
Augustine ra khỏi nhà. Tuy đuổi con ra khỏi nhà, bà vẫn tin
tưởng rằng với lời cầu nguyện, Augustine sẽ sớm được ơn ăn năn
trở lại. [3]
KIÊU CĂNG TỰ ĐẮC
Khi đọc tác phẩm “Hortensius” của triết gia ngoại giáo Cicero,
Augustine thắc mắc rất nhiều về vũ trụ và sự hiện hữu của nó. Vũ
trụ đến từ đâu, và vì sao nó hiện hữu? Ai là người có thể trả
lời được những thắc mắc huyền bí này? Đó cũng là lý do tại sao
Augustine đã gia nhập giáo phái Manikê, vì nghĩ rằng ở đó có thể
tìm được câu trả lời. Tuy nhiên, sau 9 năm ở trong giáo phái
này, Augustine vẫn không tìm được những lời giải đáp thỏa đáng.
Trong thâm tâm, Augustine tự cảm nhận một cái gì đó khiến luôn
luôn bị thao thức, bất an. “Thiên Chúa dựng nên trái tim con
người, và nó không ngừng thao thức cho đến khi được yên nghỉ
trong Ngài.” Augustine đã viết điều này sau thời gian ăn chơi,
trác táng, và sau những năm miệt mài với giáo thuyết Manikê.
Cuộc sống sa hoa, trụy lạc, theo Augustine, chỉ mang lại những
kinh nghiệm chán ngán, buồn bực, và vô vọng. Nhất là cảm giác
buồn vì đã làm mẹ đau khổ khi phải miễn cưỡng đuổi mình không
cho bước vào nhà.
Một hôm trong tình trạng bất an tâm hồn, Augustine đã tìm đến
nhà người bạn và đi ra vườn cây, nằm dưới một gốc cổ thụ suy tư
hy vọng tìm được lời giải thích. Bỗng một tiếng hát trong trẻo
của một em nhỏ: “Hãy cầm lấy mà đọc!” Coi đây như tiếng nói của
Thiên Chúa, Augustine đứng dậy đi vào nhà rồi cầm lấy cuốn Thánh
Kinh. Mở sách ra, Augustine bất ngờ đọc được những dòng này
trong thư Phaolô gửi giáo đoàn Rôma: “Đêm sắp tàn, ngày gần
đến. Vậy chúng ta hãy loại bỏ những việc làm đen tối, và cầm lấy
vũ khí của sự sáng để chiến đấu. Chúng ta hãy ăn ở cho đúng đắn
như người đang sống giữa ban ngày; không chè chén say sưa, không
chơi bời dâm đãng, cũng không cãi cọ ghen tuông. Nhưng anh em
hãy mặc lấy Đức Kitô, và đừng chiều theo tính đam mê xác thịt mà
thỏa mãn dục vọng”(13, 12-14). Augustine gấp sách lại. Tuy
nhiên, lúc này vẫn chưa phải là lúc quyết định.
Ngoài ra cũng để tránh sự thôi thúc của mẹ, Augustine đã âm thầm
đem theo Melanie và Adeotatus đến Ý. Nơi đây Manikê lo cho
Augustine một chức giáo sư ở Đại Học Milan. Không ngờ, vừa đến
Rôma thì Monica cũng có mặt. Bà còn hối thúc Augustine cưới vợ
và bắt bỏ Melanie và Adeotatus. Nhưng cô gái mà bà muốn gán cho
Augustine lại chưa đủ tuổi kết hôn, thế là Augustine có cơ hội
cặp thêm bồ mới. [4]
Với tư cách là một giáo sư đại học,
Augustine đã làm quen, giao du với những nhân vật trí thức,
thượng lưu, danh giá tại Milan. Trong số những thành phần trí
thức ở đây, Augustine đã tìm cách đến với Tổng Giám Mục
Ambrosiô, và đã có lần tò mò nghe Ambrosiô giảng. Không ngờ
Augustine đã bị chinh phục. Do sự giúp đỡ của Ambrosiô, từ từ,
Augustine đã khám phá ra những sơ hở và sai lầm của chủ thuyết
Manichean. Tuy nhiên, Augustine vẫn chưa hoàn toàn quay về với
Giáo Hội Công Giáo. Lý do vì cuộc sống sa đọa vẫn đang kìm giữ
chân Augustine chưa cho quay lại. Cảm phục Ambrosiô, nhưng lại
sợ mình không thể bắt chước được. [5]
NGƯỜI MẸ ĐỨC HẠNH
“Phúc đức tại mẫu”. Những gì mà Augustine được, kể cả ơn trở về
với Giáo Hội, phần lớn cũng là nhờ lời cầu nguyện, hy sinh và
gương lành của người mẹ là Monica.
Monica sinh năm 332 tại Thagaste, Numidia, đế quốc Rôma, ngày
nay là Souk Ahras, Algeria. Bà qua đời năm 387 tại Ostia, Italy,
đế quốc Rôma. Hưởng dương 55 tuổi. Góa chồng năm 38 tuổi. Bà
được tôn kính tại Giáo Hội Chính Thống Đông Phương, Cộng Đồng
Anh Giáo, Chính Thống Đông Phương (gồm các giáo hội Ethiopian,
Coptic, Armenian, Syrian, Indian và Eritrean) và Tin Lành
Lutheran.
Chính Augustine sau này đã viết về người mẹ, và ảnh hưởng của bà
qua việc trở lại trong cuốn Tự Thú (Confessions) của mình.
Monica kết hôn rất trẻ với Patricius, một viên chức ngoại đạo
người Rôma cai trị Thagaste. Ông được biết đến như một người có
tính tình nóng nảy, cộc cằn, và lối sống thiếu đạo đức. Những
điều này là do di sản ông được truyền thụ từ mẹ của ông. Do đó,
những việc làm đạo đức như cầu nguyện, thăm hỏi, giúp đỡ người
cùng khổ của Monica đã làm cho Patricius bực bội, tuy vậy, ông
vẫn giữ được sự kính nể đối với vợ mình. Nhờ lời cầu nguyện của
Monica, một năm trước khi Patricius qua đời cả ông và mẹ ông đã
được rửa tội.
Trong ba người con của mình, Augustine là người đã làm cho
Monica phải rơi nước mắt nhiều nhất. Tuổi trẻ, khác với Perpetua
và Navigius, Augustine là một đứa trẻ lêu lổng, lười biếng, vô
kỷ luật. Thêm vào đó, đời sống bê tha tình ái, lạc đạo của
Augustine sau này đã khiến cho lòng bà day dứt khôn nguôi. Tuy
nhiên, bà vẫn tin tưởng và kiên trì cầu cầu nguyện cho
Augustine.
Cầu nguyện, hy sinh chưa đủ, bà còn theo dõi con từng bước kể cả
theo con sang tận Rôma. Bà còn tìm gặp Thánh Ambrosiô và nhờ
ngài giúp đỡ Augustine. Cuối cùng bà đã vui mừng nhìn thấy
Augustine được ơn về lại với Chúa sau 17 năm trong nước mắt và
kinh nguyện của mình.
Sáu tháng hạnh phúc bên con sau khi Augustine lãnh phép rửa tội,
bà cùng con lên đường trở lại cố hương với hy vọng đem ánh sáng
Tin Mừng rao giảng cho đồng hương. Trong khi cả hai dừng chân
tại Civitavecchia và Ostia, chính ở đây Monica đã trút hơi thở
cuối cùng để lại cho Augustine một sự nhớ thương người mẹ đạo
hạnh của mình.
BẾN ĐỖ BÌNH AN
Dòng nước Rửa Tội
Sau nhiều ngày chuẩn bị tâm hồn, được hướng dẫn bởi Tổng Giám
Mục Ambrôsiô cùng với lời cầu nguyện của mẹ, Augustine đã tìm về
với ánh sáng Đức Tin, lãnh nhận Bí
Tích Thánh Tẩy tại thánh đường Gioan Tẩy Giả tại Milan vào
lễ Vọng Phục Sinh do Tổng Giám Mục Ambrosiô cử hành. Khi ấy
Augustine được 33 tuổi. Augustine đã diễn tả sự bình an
và hạnh phúc sau khi đã tìm gặp được Chúa: “Chúa đã dựng nên
trái tim con và nó không ngừng thao thức cho đến khi được an
nghỉ trong Chúa!”
Sau khi được tái sinh làm con cái Chúa, Augustine đã quyết tâm
đổi đời, mạnh mẽ và dứt khoát với quá khứ. Augustine đã tìm đến
sống trong một đan viện, chuyên cần cầu nguyện, suy ngắm, nghiên
cứu thần học, triết học, viết sách, soạn nhiều bài giảng, và đã
để lại cho Giáo Hội và cho nhân loại một kho tàng văn học giá
trị cả về đức tin và về tư tưởng, xứng đáng với danh hiệu “rừng
gỗ quí của Giáo Hội.”
Trong số các tác phẩm nổi tiếng ấy là cuốn Tự Thú (Confessiones)
mà Augustine đã viết về quá khứ, về những khó khăn, trăn trở
trên đường tìm chân lý: “Sương mù dâng lên từ vũng lầy ham
muốn xác thịt và từ nhựa sống căng trào của tuổi thanh niên,
chúng như mây che kín tâm tôi,” cùng với những trói buộc của
ma quỷ, thế gian, và xác thịt: “Kẻ thù kìm hãm ý chí tôi, nó
như một dây xích cuốn chặt lấy tôi. Bởi ngược lại ý chí là đòi
hỏi nhục dục, đáp ứng nó, nó trở thành thói quen, không chống
lại, nó trở thành trói buộc.”
Ngoài ra sau khi Augustine qua đời, và sau cơn hỏa hoạn của đan
viện, người ta còn tìm được cuốn “Thành Đô Thiên Chúa”
(De civitate Die). Tác phẩm này Augustine đã viết để trả lời
người Rôma tố cáo các Kitô hữu sau trận cướp phá Rôma của quân
Alarich năm 410, và khoảng 500 bài giảng. [6]
Yêu Chúa muộn màng
Rất thông minh, nhưng rơi vào sa đọa, trác táng. Không nhận mình
là người có đạo, vì nghĩ rằng mình không bao giờ có thể sống một
đời sống tốt, cho đến một hôm khi đọc về cuộc đời của thánh
Antony. Augustine đã cảm thấy tự xấu hổ với bản thân: “Chúng ta
đang làm gì?” Augustine đã hỏi một người bạn tên là Alipius.
“Những người kém học thức lại chiếm được nước Trời, trong khi
chúng ta với tất cả kiến thức và hiểu biết, lại để mình rơi
trong vũng bùn nhơ bẩn của tội lỗi!”
Với quyết tâm cải thiện, và để bù đắp quá khứ đi hoang của mình,
đặc biệt sau khi đã đón nhận Bí Tích Thánh Tẩy, Augustine luôn
sống với tâm lý đền bù. Đã có lần Augustine kêu lên với Chúa:
“Bao lâu nữa ôi lạy Chúa? Tại sao con không chấm dứt con đường
tội lỗi ngay bây giờ?” Nhất là sau khi đọc lại những thư Thánh
Phaolô, cuộc đời Augustine bắt đầu với những thay đổi mới. Thực
hành khó nghèo, nâng đỡ người nghèo khổ, giảng dậy và cầu nguyện
cho đến chết. Augustine thường than thở: “Lạy Chúa con đã yêu
Chúa quá muộn màng!”[7]
Giám Mục Hippo
Một người danh giá đã mời Augustine
về Hippo, tại đây sau 4 năm Augustine đã được phong chức linh
mục do Giám Mục Valerius, người đã cảm phục sự hiểu biết và lòng
đạo hạnh của Augustine. Nhận ra đây là một linh mục thánh thiện,
Giám Mục Valerius sau khi đã bàn hỏi với một số giám mục, đã tấn
phong Augustine làm giám mục phó với quyền kế vị (Coadjutor) để
phụ tá ông điều hành giáo phận và kế nhiệm ông sau khi ông qua
đời.
Là giám mục, Augustine đã phân phát
tất cả của cải và mọi bổng lộc có được cho người nghèo. Từ ngày
lĩnh nhận ơn rửa tội cho đến khi qua đời, Augustine sống chay
tịnh, thánh thiện để chứng minh cho mọi người rằng trước kia
mình là nô lệ của tội lỗi, nhưng với ơn Chúa, giờ đây đã được
giải thoát khỏi những cám dỗ của tội lỗi. Mặt khác, chính ngài
đã cố gắng tự xa tránh mọi dịp có thể đưa mình trở lại con đường
cũ. Trước kia, hễ mở miệng là chửi thề, nhưng từ sau ngày rửa
tội, không ai nghe thấy ngài nói một lời tục tĩu hay chửi thề
nào. Ngài ghét thói vu vạ cáo gian, hạ danh giá người khác nên
đã viết trên tường trong phòng ăn của mình những dòng này: “Ai
xúc phạm đến thanh danh người khác, họ không có chỗ trên bàn ăn
này.” Một hôm có một vị khách đã nói những lời xấu xa về người
hàng xóm trước mặt mình, Augustine đã nói với vị này: “Thưa
ngài, hoặc là tôi xóa những dòng chữ kia, hoặc là ngài nên đổi
cách nói chuyện của mình.”
Sau cuộc đời thống hối, ăn năn và
tích lũy nhân đức, Augustine đã qua đời năm 76 tuổi trước sự
thương tiếc của các Kitô hữu. Trước khi qua đời 12 ngày,
Augustine xin được ở một mình yên tĩnh để dọn mình, đọc những ca
vịnh thống hối. Xác thánh ngài được an táng tại nhà thờ chính
tòa, nhưng sau đó được rời về Sardinia, và rồi Pavia, ở đó cho
đến ngày nay. [8] Ngài đã được Giáo Hội tôn phong Hiển
Thánh dưới triều ĐGH Bonifaciô VIII và vinh danh Giáo Phụ, Tiến
Sĩ Hội Thánh.
Lễ
Kính:
28
tháng 8: Giáo Hội Latin, Công Giáo Tây Phương.
15
tháng 6: Công Giáo Đông Phương.
4
tháng 11: Giáo Hội Assyrian Đông Phương.
Bổn Mạng: Ngài là bổn mạng những người nấu rượu, thợ in, thần
học gia, người bị đau mắt.
_________
Tài liệu tham khảo: